QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 09/2015/HS-GĐT NGÀY 28/07/2015 VỀ VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI MÙA VẢ THÁNH VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Ngày 28/7/2015, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

Mùa Vả Thánh (Mùa A Vạng) sinh năm 1986; dân tộc: Mông; trú tại: bản Ká Kê, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: làm ruộng; không biết chữ; con ông Mùa Sống Dia (đã chết) và bà Ly Thị Sâu; có vợ và 03 người con (lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi); tiền án, tiền sự: không; bắt tạm giam: ngày 09/9/2008;

Ngoài ra trong vụ án này còn có 09 bị cáo khác.

NHẬN THẤY

Theo Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 01/9/2008, tại bản Khì Trên, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, Công an huyện Than Uyên bắt quả tang Hờ A Cưa, Giàng A Tếnh, Sùng A Thái và Hờ A Cở đang vận chuyển 12 bánh hêrôin (tổng trọng lượng 4.000gam) từ tỉnh Sơn La sang tỉnh Lào Cai bằng ôtô để bán cho Ly Seo Sủ theo sự chỉ đạo của Hờ A Chu.

Mở rộng điều tra, hành vi của các đối tượng như sau:

1.  Hờ A Cưa đã 07 lần vận chuyển hêrôin từ nhà ở Mộc Châu, Sơn La đi Hà Tây (cũ) và Lào Cai với tổng trọng lượng là 56 bánh x 330gam/bánh = 18.480gam.

2.  Giàng A Tếnh đã 8 lần trực tiếp và tham gia vận chuyển hêrôin từ Sơn La đi Lào Cai bán, với số lượng 33 bánh x 330gam/bánh = 10.890gam và 01 cây hêrôin = 37,5 gam; tổng cộng là 10.927,5gam.

3. Ly Seo Sủ đã 08 lần mua bán hêrôin với số lượng 23 bánh x 330gam/bánh = 7.590gam và 01 cây hêrôin = 37,5gam; tổng cộng là 7.627,5gam. Riêng 12 bánh hêrôin mà Cưa cùng Tếnh, Thái, Cở vận chuyển từ Sơn La sang Lào Cai ngày 01/9/2008 để bán cho Sủ trên đường đi bị bắt nhưng Sủ không biết và không được bàn bạc thỏa thuận trước nên Sủ không phải chịu trách nhiệm về hành vi này.

4. Sùng A Thái đã 03 lần tham gia vận chuyển hêrôin với số lượng 32 bánh x 330gam/bánh = 10.560gam.

5. Hờ A Vảng tham gia 04 lần mua bán 30 bánh x 330gam/bánh = 9.900gam hêrôin.

6. Mùa Vả Thánh đã mua bán 04 lần hêrôin với 06 bánh x 330gam/bánh = 1.980gam.

7. Hờ A Cở đã tham gia vận chuyển 12 bánh hêrôin đi bán, quá trình điều tra đã xác định có trọng lượng 4.000gam.

8. Vàng A Dua, Hảng Seo Tráng và Thào Lào Tráng đã mua bán 02 lần hêrôin với 02 bánh x 330gam/bánh = 660gam.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2010/HSST ngày 19/01/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đã áp dụng điểm b khoản 4 Điều 194; điểm p, o khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự, xử phạt Mùa Vả Thánh tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Ngoài ra Bản án hình sự sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với 9 bị cáo khác, trong đó: có 05 bị cáo tử hình là Hờ A Cưa, Giàng A Tếnh, Ly Seo Sủ, Sùng A Thái, Hờ A Vảng; 04 bị cáo tù chung thân là Hờ A Cở, Hảng Seo Tráng, Thào Lào Tráng, Vàng A Dua.

Ngày 22/01/2010, các bị cáo Hờ A Cưa, Giàng A Tếnh, Ly Seo Sủ, Sùng A Thái và Mùa Vả Thánh đều có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ngày 29/01/2010, các bị cáo Hảng Seo Tráng và Thào Lào Tráng đều có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 314/2010/HSPT ngày 22/6/2010 Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 52/2014/HS-KN ngày 23/12/2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 314/2010/HSPT ngày 22/6/2010 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2010/HSST ngày 19/01/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đối với bị cáo Mùa Vả Thánh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đối với Mùa Vả Thánh để điều tra lại về phần lý lịch bị cáo.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử Mùa Vả Thánh tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên về phần lý lịch của bị cáo thì thấy rằng:

Tại các Biên bản lấy lời khai, Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm thì bị cáo có tên là Mùa Vả Thánh; đơn kháng cáo và đơn xin tha tội chết thì bị cáo có tên là Mùa Vả Thảnh; trong đơn xin tha tội chết của vợ, mẹ bị cáo ghi tên bị cáo là Mua Vả Thánh. Tại Bản án sơ thẩm xác định bị cáo sinh năm 1975, tại Bản án phúc thẩm lại xác định bị cáo sinh năm 1986.

Tại Công văn số 202/VKSTC-V3 ngày 18/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xác minh lý lịch của bị cáo Mùa Vả Thánh thể hiện:

Qua xác minh tại Ban Công an xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, tại Sổ đăng ký hộ tịch hộ khẩu (không ghi số quyển và ngày, tháng, năm lập sổ) được lưu tại Ban Công an xã có ghi ông Mua Sống Dia là chủ hộ; bà Ly Thị Sâu (vợ) sinh năm 1953 và Mua Vả Thánh (con) sinh năm 1975. Theo Ban Công an xã cung cấp thì Mua Vả Thánh không có giấy khai sinh và họ “Mua” hay “Mùa” đều là một họ.

Xác minh tại Ban công an xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, tại bản khai nhân khẩu thể hiện họ và tên là Mùa Vả Thánh, sinh năm 1975 và theo Ban công an xã cung cấp thì Mùa Vả Thánh là đối tượng di cư tự do, không đăng ký tạm trú, thường trú nhưng cùng với vợ con sinh sống tại bản Mai Thuận, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La từ năm 2000 cho đến khi bị bắt là năm 2008; lý lịch ghi trong bản khai nhân khẩu là do chính Mùa Vả Thánh cung cấp cho Ban công an xã kê khai để quản lý.

Tiến hành lấy lời khai Mùa Vả Thánh tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu thì Thánh khai họ và tên là Mùa Vả Thánh, sinh năm 1975 như họ và tên trong Sổ hộ khẩu gia đình em trai là Mùa A Só. Tên Mua A Thánh (tên trong chứng minh thư nhân dân) cũng đúng là tên của Thánh bởi theo phong tục địa phương khi lấy vợ thì đổi tên đệm chữ “A” thành chữ “Vả”. Còn tên Mùa Vả Thánh cũng đúng là tên Thánh bởi bố và anh, em trai của Thánh cũng mang họ “Mùa”. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Mùa Vả Thánh về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” là có căn cứ. Còn các tên Mùa A Vạng, Mùa A Vảng, Mùa A Vả chỉ là tên lóng do người dân địa phương gọi.

Như vậy, theo Công văn trên thì phần lý lịch của bị cáo Mùa Vả Thánh vẫn chưa được làm rõ. Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án cũng chưa thể hiện được tại xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có ai khác ngoài bị cáo có tên Mùa Vả Thánh hay không.

Việc điều tra lại để làm rõ họ, tên và tuổi của bị cáo là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo xét xử đúng người phạm tội. Khi xác minh lại họ, tên và tuổi của bị cáo thì Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lai Châu phải xác định lại xem bị cáo có giấy khai sinh không? Có sổ hộ tịch hay không? Trong trường hợp nếu có giấy khai sinh và sổ hộ tịch thì họ và tên đầy đủ là gì? Ngày tháng năm sinh là ngày nào? Tại sao lại khác với họ, tên trong các giấy tờ khác? Trong trường hợp không có lý lịch tư pháp thì căn cứ vào chứng minh thư nhân dân nhưng phải giải thích rõ tại sao lại có họ, tên khác so với sổ hộ khẩu hay những giấy tờ tùy thân khác và phải ghi rõ họ, tên đó là gì trong phần lý lịch bị can, bị cáo. Đồng thời cần tiến hành lấy lời khai của cha mẹ bị cáo và xác minh thu thập các chứng cứ để xác định năm sinh nào của bị cáo là chính xác.

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

QUYẾT ĐỊNH

1. Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 314/2010/HSPT ngày 22/6/2010 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2010/HSST ngày 19/01/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đối với Mùa Vả Thánh để điều tra lại về phần lý lịch bị cáo theo đúng quy định của pháp luật; chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Tiếp tục tạm giam Mùa Vả Thánh cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại hồ sơ vụ án.

 

NỘI DUNG DỰ KIẾN ĐỀ XUẤT CÔNG NHẬN LÀM ÁN LỆ

Trong Quyết định giám đốc thẩm đã chỉ ra vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử là:

Khi giải quyết vụ án hình sự, việc làm rõ họ, tên và tuổi của bị cáo là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo xét xử đúng người phạm tội. Khi xác minh họ, tên và tuổi của bị cáo thì phải xác định xem bị cáo có giấy khai sinh hay không? có sổ hộ tịch hay không? Trường hợp họ, tên của bị cáo trong giấy khai sinh, sổ hộ tịch khác so với họ, tên trong các giấy tờ về nhân thân khác thì phải giải thích rõ tại sao có họ, tên khác đó và phải ghi rõ họ, tên đó là gì trong phần lý lịch bị can, bị cáo.

Cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nhận định:

“Việc điều tra lại để làm rõ họ, tên và tuổi của bị cáo là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo xét xử đúng người phạm tội. Khi xác minh lại họ, tên và tuổi của bị cáo thì Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lai Châu phải xác định lại xem bị cáo có giấy khai sinh không? có sổ hộ tịch hay không? Trong trường hợp nếu có giấy khai sinh và sổ hộ tịch thì họ và tên đầy đủ là gì; ngày tháng năm sinh là ngày nào; tại sao lại khác với họ, tên trong các giấy tờ khác. Trong trường hợp không có lý lịch tư pháp thì căn cứ vào chứng minh thư nhân dân nhưng phải giải thích rõ tại sao lại có họ, tên khác so với sổ hộ khẩu hay những giấy tờ tùy thân khác và phải ghi rõ họ, tên đó là gì trong phần lý lịch bị can, bị cáo. Đồng thời cần tiến hành lấy lời khai của cha mẹ bị cáo và xác minh thu thập các chứng cứ để xác định năm sinh nào của bị cáo là chính xác.”

 

 

Tên bản án

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 09/2015/HS-GĐT NGÀY 28/07/2015 VỀ VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI MÙA VẢ THÁNH VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án